Kinh nghiệm điều trị sốt xuất huyết cho bệnh nhân tại nhà
Views: 659
Khi mắc phải căn bệnh sốt xuất huyết, người bệnh cần được chẩn đoán, xét nghiệm sớm, giúp sàng lọc và phát hiện nhanh chóng để có thể đưa ra những phương pháp điều trị phù hợp cho từng trường hợp tương ứng. Vậy thì kinh nghiệm điều trị sốt xuất huyết như thế nào là phù hợp, hiệu quả? Hãy cùng tìm hiểu qua bài viết dưới đây nhé!
Vậy đầu tiên hãy cùng tìm hiểu sơ qua căn bệnh sốt xuất huyết này là gì và các triệu chứng, dấu hiệu ra sao.
Sốt xuất huyết là gì?
Sốt xuất huyết là một căn bệnh rất phổ biến và thường xuyên xảy ra tại các vùng có khí hậu nhiệt đới, là một dạng bệnh truyền nhiễm cấp tính do loại Virus Dengue gây nên. Chúng có thể lây lan nhanh và tạo thành đại dịch, gây ảnh hưởng nguy hiểm tới sức khỏe con người.
Bệnh sốt xuất huyết là do loại muỗi vằn có tên là Aedes Aegypti hoặc Aedes Albopictus mang theo mầm bệnh và lây lan, xâm nhập vào cơ thể người thông qua vết muỗi đốt, chích.
Dấu hiệu và biến chứng của bệnh sốt xuất huyết
Dấu hiệu của bệnh sốt xuất huyết
Tùy thuộc vào mức độ của bệnh mà sẽ xuất hiện những dấu hiệu, triệu chứng của bệnh sốt xuất huyết khác nhau, nhưng nhìn chung thì sẽ có các dấu hiệu cơ bản như sau:
- Sốt cao, đột ngột (39-41ºC).
- Xuất hiện các nốt phát ban trên khắp cơ thể, xuất hiện dưới vùng da.
- Người mệt mỏi, chóng mặt, li bì.
- Thường xuyên đau đầu, đau bụng và nhức mỏi xương khớp.
- Cơ thể rét run, tím môi, người bứt rứt, khó chịu.
- Tiểu tiện ít,….
Biến chứng của bệnh sốt xuất huyết
Sốt xuất huyết có thể gây ra các biến chứng nặng nếu không được phát hiện, chăm sóc, theo dõi và điều trị kịp thời, sẽ rất dễ dẫn đến tử vong nếu xảy ra quá muộn.
Các biến chứng có thể là:
- Gây xuất huyết nội tạng, đường tiêu hóa, gây đông máu trong cơ thể.
- Chảy máu cam, rong kinh nặng.
- Gây suy thận cấp, suy tạng, suy gan cấp,…
- Viêm cơ tim, suy tim.
- Mất nhận thức, rối loạn tri giác.
- Và cuối cùng là gây tử vong.
Vậy thì với những dấu hiệu và biến chứng trên thì cần điều trị và chăm sóc bệnh nhân như thế nào ?
Tùy thuộc vào mức độ bệnh, đa số bệnh nhân sốt xuất huyết có thể tự điều trị ngoại trú (tại nhà) theo sự hướng dẫn và chỉ định của bác sĩ. Còn tình trạng nặng hơn thì cần phải nhập viện gấp để sớm được chữa trị kịp thời.
Dưới đây là một số thông tin tổng hợp về kinh nghiệm điều trị sốt xuất huyết và cách chăm sóc bệnh nhân sốt xuất huyết tại nhà an toàn và hiệu quả.
Cách chăm sóc bệnh nhân sốt xuất huyết tại nhà
Đối với bệnh nhân bị sốt xuất huyết nhẹ
Trong trường hợp bệnh nhân ở mức độ nhẹ, có thể chữa trị ngoại trú, tại nhà thì sau đây là các kinh nghiệm điều trị sốt xuất huyết hiệu quả:
- Để người bệnh được nghỉ ngơi, thư giãn, nằm nơi thoáng mát, hạn chế vận động nhiều, mạnh.
- Hạ sốt bằng cách sử dụng khăn chườm ấm, lau người mát bằng nước ấm, uống Paracetamol và dùng theo đúng liều lượng tùy theo từng đối tượng phù hợp.
- Tăng cường bổ sung các khoáng chất, bù nước, có thể uống sữa, nước trái cây, ăn nhiều hoa quả, nước gạo, uống Oresol (dung dịch điện giải đẳng trương).
- Cần bổ sung đầy đủ các chất dinh dưỡng, đảm bảo đủ 4 nhóm chất cơ bản gồm: chất đạm, chất béo, tinh bột, vitamin và khoáng chất.
- Nên ăn các dạng thức ăn được chế biến lỏng, nhuyễn, dễ tiêu: súp, sữa, cháo,… Ngoài ra nên kiêng ăn các thực phẩm có màu nâu, đỏ, đen để tránh nhầm với xuất huyết tiêu hóa.
- Tăng tỷ lệ đường đơn, đường đôi và lipid thực vật (có trong nước trái cây, sữa,..) giúp cung cấp thêm năng lượng cho cơ thể.
- Không nên ăn quá nhiều trong một bữa, nên chia nhỏ để tránh gây cảm giác đầy hơi, khó tiêu, tốt cho tiêu hóa người bệnh.
- Đặc biệt là cần tái khám theo lời dặn của bác sĩ hoặc khi có dấu hiệu tiến triển nặng hơn.
Đối với bệnh nhân bị sốt xuất huyết nặng
Trong quá trình chăm sóc bệnh nhân sốt xuất huyết tại nhà, cần theo dõi sát sao, kỹ lưỡng và nếu xuất hiện các dấu hiệu bất thường, nguy hiểm thì cần đưa người bệnh tới trung tâm, cơ sở y tế, bệnh viện để được khám, chữa trị kịp thời.
Đối với trẻ em, nếu xuất hiện các tình trạng chảy máu cam, nôn ói liên tục, đau bụng dữ dội, đi ngoài ra máu, ý thức rối loạn, lơ mơ, co giật, tím tái khắp người, khó thở,..thì cũng cần gấp rút đưa tới trung tâm, cơ sở y tế, phòng khám gần nhất để cấp cứu và điều trị kịp thời.
Một số lưu ý khi chăm sóc tại nhà
Dưới đây là một số lưu ý khi chăm sóc bệnh nhân sốt xuất huyết tại nhà để tránh xảy ra các phát sinh rủi ro không đáng có, gây nguy hiểm tới tính mạng. Bao gồm:
- Không được cạo gió, chích lể vì sẽ gây ra chảy máu và nhiễm trùng vết thương.
- Không được tự ý dùng thuốc kháng sinh hoặc các loại thuốc đặc trị khác mà không có sự chỉ định, hướng dẫn từ bác sĩ.
- Tuyệt đối không được tự ý truyền dịch tại nhà vì điều đó có thể dẫn đến suy hô hấp cấp và gây nguy hiểm cho tính mạng.
- Cần tái khám đúng hẹn, nên làm xét nghiệm máu, tiểu cầu hàng ngày để xem xét và đánh giá mức độ tiến triển của bệnh để có phác đồ điều trị phù hợp.
- Khi có các dấu hiệu cảnh báo, tuyệt đối không được lơ là, chủ quan mà cần đưa tới bệnh viện, cơ sở y tế kịp thời để tránh được nguy cơ tử vong.
Tham khảo thêm: Sốt xuất huyết kiêng ăn gì
Tóm lại, bệnh sốt xuất huyết là một căn bệnh nguy hiểm, dễ lây lan và tiến triển nặng, để lại nhiều biến chứng, di chứng và hậu quả khôn lường. Vì vậy, ngoài những kinh nghiệm điều trị sốt xuất huyết tại nhà như trên thì cũng cần theo dõi và đưa tới bệnh viện kịp thời nếu phát hiện những dấu hiệu cảnh báo, tránh rủi ro xảy ra các tình trạng đáng tiếc khác.